Quy chế Thái hoàng thái hậu

Tấn tôn

Danh vị Thái hoàng thái hậu là danh vị cao nhất của một nữ quyến hoàng thất trong một gia đình hoàng tộc của các quốc gia Đông Á. Khi sách phong cho một Thái hoàng thái hậu, cũng như Hoàng thái hậu, đó gọi là 「Tấn tôn; 晉尊」, có Sách bảo (册宝) do chính Hoàng đế dẫn đầu bá quan văn võ đến dâng tiến trong đại lễ tấn tôn, quy định về tấn tôn.

Việc tấn tôn Thái hoàng thái hậu thường chia ra làm hai trường hợp chính:

  • Chuẩn Tổ mẫu (准祖母): Khi 2 lần Hoàng đế băng hà (2 Hoàng đế đó là cha con), thì Hoàng hậu (vợ chính) của Hoàng đế băng hà lần đầu đó trở thành Thái hoàng thái hậu. Theo góc độ này, Thái hoàng thái hậu là bà nội về mặt pháp lý của Hoàng đế, tức [Đích tổ mẫu; 嫡祖母], lại gọi [Thúc tổ mẫu; 叔祖母] hay [Bá tổ mẫu; 伯祖母] tùy theo vai vế của Hoàng đế.
  • Thân Tổ mẫu (親祖母): Hoàng đế mới lên ngôi có thể tôn phong bà nội ruột của mình làm Thái hoàng thái hậu, dù người bà nội này không phải là Hoàng thái hậu của Hoàng đế trước hay Hoàng hậu của Hoàng đế đời trước nữa. Tuy nhiên trường hợp này rất hiếm trong lịch sử, do tính chất kế tự đầy chặt chẽ qua các triều đại thường không cho phép thân thích của Hoàng đế, mà vốn không phải Hoàng hậu đời trước.

Vì tôn hiệu đặc thù, trong nhiều triều đại tuy có thể có trên 2 vị Hoàng thái hậu, nhưng hầu như không có 2 vị Thái hoàng thái hậu cùng tôn vị. Điều cực hiếm này lại xảy ra cuối triều đại nhà Nguyễn ở Việt Nam, có Khôn Nguyên Xương Minh Thái hoàng thái hậu cùng Khôn Nghi Xương Đức Thái hoàng thái hậu thời Bảo Đại.

Các ngoại lệ

Mặt khác, vì vấn đề chính trị, cũng có nhiều tổ mẫu của Hoàng đế không tấn tôn địa vị Thái hoàng thái hậu. Điển hình như Lữ Thái hậu thời Hán Tiền Thiếu Đế Lưu Cung, tuy là Hoàng tổ mẫu của Hoàng đế nhưng vẫn giữ danh hiệu Hoàng thái hậu. Thời Đông Hán, Hiếu Nhân Đổng hoàng hậu, mẹ của Hán Linh Đế Lưu Hoằng, tuy là bà nội của Hán Thiếu Đế Lưu Biện và Hán Hiến Đế Lưu Hiệp nhưng chưa từng nhận qua danh vị Thái hoàng thái hậu. Lại có Thiệu Thái hậu, bà nội của Minh Thế Tông, tuy là Hoàng tổ mẫu nhưng chưa từng được tôn làm Thái hoàng thái hậu, sau khi qua đời mới có thụy hiệu là Hiếu Huệ Thái hoàng thái hậu mà thôi.

Bên cạnh đó, cũng không thiếu một số các trường hợp Thái hoàng thái hậu không phải bà nội của Hoàng đế. Như Hiếu Chiêu Thượng Quan hoàng hậu vào thời Hán Nguyên Đế là "Thúc tằng tổ mẫu" (bà cố) của Hoàng đế, cũng chỉ giữ danh hiệu Thái hoàng thái hậu. Hoặc như Hiếu Nguyên hậu Vương Chính Quân thời Nhũ Tử Anh, trên danh nghĩa là đường tằng tổ mẫu (bà cố) của Hoàng đế, nhưng cũng chỉ tự tôn làm Thái hoàng thái hậu. Lại có Ý An Quách hoàng hậu, qua các triều đã là Thái hoàng thái hậu, nên dưới thời Đường Tuyên Tông vẫn giữ danh hiệu.

Tại Việt Nam, vai vế không đồng nhất cũng xuất hiện vào thời đại nhà Nguyễn. Khi Vua Hiệp Hòa nối ngôi sau khi Vua Dục Đức bị phế, di chiếu của Vua Tự Đức đã định sẵng nên tôn Hoàng thái hậu Phạm thị làm Từ Dụ Thái hoàng thái hậu. Vua Hiệp Hòa là con út của Vua Thiệu Trị, do vậy là con chồng của bà Từ Dụ và là em trai của Vua Tự Đức, nhưng vì tôn trọng di chiếu mà nhà Vua vẫn tôn mẹ cả Phạm thị làm Thái hoàng thái hậu[3].